​Gạt bỏ tư duy trọng bằng cấp để giáo dục nghề nghiệp

Rate this post

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” do Báo Dân trí phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp dẫn đến nhiều hệ quả.

Giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau

Trong buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Giáo dục nghề nghiệp: Học nghề trước, đại học sau” do Báo Dân trí phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho rằng, trong một thời gian dài, chúng ta chạy theo khoa cử, chuộng bằng cấp dẫn đến nhiều hệ quả.

Theo thầy giáo Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, có nhiều lý do khiến các trường dạy nghề chưa hút sinh viên như: Các bậc phụ huynh vẫn nặng về tâm lý bằng cấp, trình độ đào tạo, mong muốn tương lai con mình sau này sẽ thành đạt,… hoặc sợ con em mình sẽ khó khăn, vất vả…; công tác truyền thông vẫn chưa được tốt, nhiều phụ huynh chưa biết được sự bất cập về cơ cấu lao động hiện nay do tỷ lệ đào tạo đại học quá nhiều dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hay các sinh viên đại học giấu bằng để đi làm hoặc phải đi học lại cao đẳng.

Thầy giáo Phạm Xuân Khánh cho rằng, để so sánh năng lực của sinh viên cao đẳng ra trường với cử nhân thì theo ý kiến của doanh nghiệp sẽ khách quan nhất. Doanh nghiệp thích tuyển sinh viên cao đẳng vì các em có kỹ năng tốt hơn, ra trường vào doanh nghiệp đã có thể tham gia sản xuất làm ra sản phẩm cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả ngay. Đặc biệt các em có tinh thần, ý thức thái độ tốt hơn trong việc chấp hành các nội quy, quy định của doanh nghiệp, không đòi hỏi quá cao, ít khi “nhảy việc”…

Trước những băn khoăn của nhiều học sinh cũng như phụ huynh khi vẫn có một thực tế là không ít doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp FDI chỉ muốn tuyển lao động phổ thông rồi tự đào tạo theo cách của họ dẫn tới “khoảng trống” giữa đào tạo nghề và thực tế, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) đang tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5-6 triệu lao động gián tiếp. Song, điều đáng nói ở đây là việc thu hút lao động của các doanh nghiệp FDI còn thiên về khai thác nguồn lao động không qua đào tạo, có giá nhân công thấp.

Trong kinh tế thị trường, chúng ta khó có thể bắt doanh nghiệp phải tuyển lao động qua đào tạo nếu doanh nghiệp không có nhu cầu. Chính phủ đã đánh giá thực trạng này và đang có giải pháp. Một mặt, bên cạnh thu hút các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, chúng ta vẫn cần thu hút FDI vào một số khu vực để tạo việc làm, giảm thất nghiệp. Chúng ta đang xây dựng các chính sách gắn với đào tạo lại người lao động trong trung và dài hạn. Hiện đề án đào tạo lại cho công nhân trước những cơ hội và thách thức đến từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng.

Nhắc đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, ông Lê Quân cũng cho rằng nó sẽ tạo ra nhiều cơ hội với giáo dục nghề nghiệp như: Các trường nghề sẽ có cơ hội gánh sứ mệnh rất lớn là đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực; công nghệ mới giúp đổi mới quản lý giáo dục nghề nghiệp và quản trị trường học; các trường nghề sẽ có cơ hội đổi mới chương trình và tổ chức hoạt động đào tạo…

Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cung cấp đào tạo nhiều ngành, nghề khác nhau ở các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng gợi ý cho các bậc phụ huynh cũng như học sinh những ngành nghề có nhu cầu nhân lực cao ở Việt Nam trong những năm tới sẽ nằm ở các nhóm ngành, nghề công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông; ngoại ngữ; du lịch, khách sạn, nhà hàng; dịch vụ thẩm mỹ; điều dưỡng – hộ sinh… Ông Lê Quân cũng đưa lời khuyên phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ lưỡng việc lựa chọn học nghề ở đâu để phù hợp với năng lực cũng như xu hướng của thị trường lao động.

Thông tin được Cao Đẳng Bách Khoa tổng hợp.



Kết nối với chúng tôi