Lễ ký kết Bản Thỏa thuận Hợp tác về “Chương trình đào tạo, thực tập và trải nghiệm cho sinh viên tại doanh nghiệp” giữa Trường Cao Đẳng Bách Khoa và Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam

2.6/5 - (15 votes)

Trong những năm gần đây, việc hợp tác đào tạo giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đang được đánh giá là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, với thị trường lao động phát triển theo xu thế hội nhập và tiến đến cách mạng công nghiệp 4.0, người lao động muốn làm việc có thu nhập cao đều phải đầu tư về kiến thức và năng lực lao động, đồng thời tích lũy kinh nghiệm làm việc thực tế. Đây cũng là xu hướng đào tạo của nhiều quốc gia có nền giáo dục nghề nghiệp phát triển trên thế giới. Do đó, TP. Hà Nội quyết liệt chỉ đạo việc gắn kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề. Kết quả là, tỷ lệ học viên, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp đạt 70-80%, thậm chí lên tới 100% đối với một số ngành nghề. 

Sau buổi tiếp và làm việc ngày 28/12/2023, nhận thấy hai bên có nhiều điểm tương đồng từ lịch sử thương hiệu đến mục tiêu và định hướng phát triển, Trường Cao Đẳng Bách Khoa (“CST”) và Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam (“FUNA-AI”) đã duy trì trao đổi liên tục và thống nhất đi đến ký kết hợp tác đối với “Chương trình đào tạo, thực tập và trải nghiệm cho sinh viên tại doanh nghiệp” cho đối tượng sinh viên Cao đẳng năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 chuyên ngành về Điện – Điện tử và Công nghệ thông tin của CST.

Các đại biểu tham dự
Các đại biểu tham dự

Tham dự buổi lễ, về phía Trường Cao đẳng Bách Khoa (“CST” hoặc “Nhà trường”) có ThS Nguyễn Văn Trường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Hiệu trưởng, ông Nguyễn Văn Lưu – Trưởng phòng Đào tạo, ông Đỗ Nhật Huy – Đại diện khoa Điện tử, bà Hoàng Thị Mỹ Linh – Phụ trách Bộ phận Pháp chế và bà Nguyễn Thị Được – Trưởng phòng Tuyển sinh cùng các thầy cô tại các phòng ban, khoa chuyên ngành của Trường Cao đẳng Bách Khoa.

ThS Nguyễn Văn Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa
ThS Nguyễn Văn Trường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách Khoa
Một số đại diện khác của Trường Cao đẳng Bách Khoa
Một số đại diện khác của Trường Cao đẳng Bách Khoa

Về phía Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam (“FUNA-AI” hoặc “Công ty”) có sự hiện diện của ông LuJun – Tổng Giám đốc Công ty, ông Lê Anh Tuấn – Cố vấn kỹ thuật, kiêm Trưởng phòng Hợp tác Trường học – Doanh nghiệp, ông Trịnh Văn Trưởng – Trưởng phòng Đào tạo và bà Vũ Thị Phương Trà – Phụ trách Hành chính.

Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ Tô Châu FUNA-AI Việt Nam

Sau buổi gặp mặt chính thức vào ngày 28/12/2023, đại diện của CST và FUNA-AI đã trao đổi chi tiết hơn về thông tin của hai bên cũng như chương trình hợp tác đào tạo trước khi đến quyết định ký kết hợp tác. Nội dung chương trình về cơ bản như sau:

  • FUNA-AI phụ trách thiết kế chương trình đào tạo và đưa các dây chuyền sản xuất vào để cùng Nhà trường đào tạo sinh viên, giúp sinh viên được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất, nâng cao chất lượng đầu ra.
  • Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên sẽ được bố trí đi thực tập từ 4 đến 6 tháng ở  vị trí kỹ thuật viên tại các doanh nghiệp đối tác của FUNA-AI tại miền Bắc như INOVA, REDTECH, FOXCONN, LUXSHARE, COWAIN, HYC, GOERTEK, v.v. Đây là cơ hội tuyệt vời để sinh viên áp dụng và phát triển những kiến thức và kỹ năng đã học được trong chương trình đào tạo vào thực tế sản xuất.

Chương trình dự kiến triển khai ngay sau khi hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm đảm bảo sinh viên hoàn thành đủ hai (02) tháng huấn luyện trước khi bắt đầu kỳ thực tập vào tháng 03 – 04 – hoặc 06/2024 này. Cùng với sự khẩn trương đó, tại buổi làm việc, ban lãnh đạo hai bên đã tập trung thảo luận và đề xuất phương án triển khai có hiệu quả nhằm đảm bảo tính khả thi và phù hợp thực tiễn của chương trình. 

Các đại biểu thảo luận về phương hướng triển khai chương trình
Các đại biểu thảo luận về phương hướng triển khai chương trình

Cụ thể, trong năm 2024, hai bên sẽ cùng hợp tác triển khai 2-3 đợt huấn luyện & thực tập dành cho sinh viên Cao đẳng năm thứ 2 hoặc năm thứ 3 chuyên ngành về Điện – Điện tử và CNTT của CST (tức sinh viên K13, K14 và K15). Sinh viên sẽ phải hoàn thành khóa đào tạo thực tập sinh tự động hóa công nghiệp kéo dài hai (02) tháng, xoay quanh 5 mô-đun chính bao gồm Lắp đặt điện khí công nghiệp cơ bản, Robot công nghiệp1, Kỹ thuật điều khiển PLC (Programmable Logic Controller)2, Thị giác máy công nghiệp (Machine vision)3 và ngôn ngữ Trung. Lưu ý rằng mô-đun tiếng Trung được Funa đặc biệt xây dựng riêng cho thị trường Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu của người học cũng như yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Về thời gian biểu và cấu trúc chương trình, với mục tiêu đào tạo tập trung nhằm đảm bảo kết quả đầu ra trong thời gian ngắn nhất, lịch học được xếp kín tuần, mỗi ngày 2 giờ tiếng Trung còn lại là học lý thuyết và thực hành trực tiếp với các thiết bị và phần mềm hiện đại của FUNA-AI tại phòng thực hành của CST. Sinh viên được đảm bảo điều kiện về trang phục thực hành, thực tập và các điều kiện đảm bảo an toàn lao động khác.

Do tính gấp rút của chương trình (nhằm đảm bảo sinh viên tham gia đủ 06-08 tuần huấn luyện trước khi bắt đầu kỳ thực tập vào tháng 03 – 04 – hoặc 06/2024, đặc biệt trước thềm nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024), đại diện hai bên sẽ cùng làm việc để thống nhất thời gian bắt đầu đào tạo, cân đối chương trình học tại hai đơn vị cũng như đảm bảo quyền lợi tối ưu cho sinh viên, chưa kể gấp rút hoàn thiện các khâu chuẩn bị cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy. 

Đại diện hai bên tiến hành ký kết Bản Thỏa thuận Hợp tác
Đại diện hai bên tiến hành ký kết Bản Thỏa thuận Hợp tác

Sau phần trao đổi và thảo luận chi tiết về cách thức triển khai chương trình, đại diện hai bên đã tiến hành ký kết Bản Thỏa thuận Hợp tác trước sự chứng kiến của lãnh đạo các phòng ban, khoa chuyên ngành liên quan. Ông LuJun – Tổng Giám đốc FUNA-AI cũng ngỏ lời mời các thầy cô Trường Cao đẳng Bách Khoa đến tham quan cơ sở vật chất và hệ thống dây chuyền sản xuất của Funa đặt tại Trường Cao Đẳng Nghề Công Nghiệp Hà Nội. Tin tưởng rằng, trong năm 2024, sinh viên CST sẽ được học tập và trải nghiệm chương trình đào tạo được thiết kế riêng biệt kết hợp với trang thiết bị thực hành tiên tiến của FUNA-AI cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm làm việc thực tế ở vị trí kỹ thuật viên tại doanh nghiệp sản xuất thông minh. Thông qua giai đoạn đầu hòa hợp này, hy vọng rằng sự hợp tác giữa hai bên sẽ mở ra những mô hình doanh nghiệp đào tạo trong Nhà trường để không ngừng nâng cao chất lượng đầu ra cho sinh viên.

Dưới đây là một số hình ảnh khác của buổi lễ.

1 Robot công nghiệp hiện đang là một trong các lĩnh vực chủ đạo được ưu tiên nhờ những ưu điểm vượt trội của robot như thay thế con người làm các công việc nặng nhọc trong môi trường nguy hiểm, độc hại, có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc với độ chính xác cao và khả năng tích hợp với các thiết bị ngoại vi bao gồm camera vision… 

2 Tự động hóa hiểu đơn giản là ứng dụng các hệ thống điều khiển như servo, PLC, mạch điện tử, G code, v.v. vào quá trình sản xuất để giúp máy móc vận hành nhanh và chuẩn xác hơn, giảm một phần lớn hoặc toàn bộ sự can thiệp của con người. 

3 Thị giác máy công nghiệp là một lĩnh vực trong khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc xử lý và hiểu hình ảnh, video từ các nguồn khác nhau như camera và cảm biến, sử dụng thuật toán phần cứng và phần mềm để tự động hóa các nhiệm vụ kiểm tra trực quan từ đơn giản đến phức tạp và hướng dẫn trực tiếp thiết bị xử lý trong quá trình lắp ráp sản phẩm. Hệ thống machine vision hoạt động không ngừng nghỉ thực hiện kiểm tra hàng lỗi hỏng trực tuyến 100%, dẫn đến chất lượng sản phẩm được cải thiện, năng suất cao hơn và chi phí sản xuất thấp hơn.

 



Kết nối với chúng tôi