Liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp là 1 trong 8 nhóm nhiệm vụ đột phá được xác định trong Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Mục lục
Mối quan hệ Nhà trường – doanh nghiệp
Những năm gần đây tình trạng sinh viên các trường Cao đẳng, Đại học sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc làm việc không phù hợp với chuyên môn đào tạo có xu hướng tăng lên.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm có khoảng 600.000 học sinh, sinh viên đang học ở hai hệ cao đẳng và trung cấp nhưng chỉ có 30% đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng, 45 – 62% sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp, trong đó chỉ có 30% là làm đúng nghề đào tạo.
Trong khi sinh viên tốt nghiệp không có việc làm thì các doanh nghiệp lại thiếu lao động một cách trầm trọng cả về số lượng và chất lượng. Thực trạng này có thể nhìn thấy rõ nét nhất tại các khu công nghiệp, và khu chế xuất. Đa số lao động tại đây là lao động phổ thông trong khi đó lao động có kỹ thuật chiếm một tỷ lệ khá nhỏ.
Để Việt Nam trở thành công xưởng mới của thế giới đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải bổ sung lượng lớn nhân sự chất lượng cao. Vì vậy hợp tác với doanh nghiệp được xem là yêu cầu tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế luôn thay đổi và biến động.
Một mũi tên trúng nhiều mục tiêu
Các chương trình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả 3 bên: Sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.
Sinh viên tiếp cận nghề nghiệp sớm hơn
Thế mạnh của chương trình giáo dục nghề nghiệp là sinh viên tập trung rèn luyện tay nghề, khi ra trường có thể làm việc ngay. Các chuyến tham quan doanh nghiệp được các trường tổ chức quanh năm với mục tiêu đưa sinh viên đến những không gian làm việc thực tế. Đặc biệt với sinh viên khối kỹ thuật như ngành Công nghệ Ô tô, Công nghệ kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật máy lạnh và Điều hòa không khí, … đây là cơ hội để các em “sờ tận tay, nhìn tận mắt, nghe thật kỹ” những thiết bị máy móc, dây truyền sản xuất ở các nhà xưởng, nhà máy; về môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp và giao lưu cùng các cán bộ quản lý.
Mỗi chuyến đi là cơ hội học hỏi đắt giá khi các bạn sinh viên được tiếp xúc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao về những kinh nghiệm và kỹ năng làm việc cần thiết, có cái nhìn rõ ràng hơn về nghề nghiệp tương lai.
Bên cạnh đó, cơ hội thực tập và cơ hội việc làm trong tương lai luôn được sinh viên quan tâm và được đại diện các công ty giải đáp trong chương trình tham quan doanh nghiệp như: “Điều kiện để trở thành nhân viên tại công ty?”, “Chính sách tuyển dụng, chế độ lương và đãi ngộ như thế nào?” hay “Với vị trí này, công ty yêu cầu những kỹ năng ra sao?”,… Sau chuyến đi tham quan doanh nghiệp, các bạn sinh viên sẽ có những bài học bổ ích, từ đó sẽ giúp các bạn xác định được rõ ràng cho tương lai phía trước, những ngày tháng còn trên ghế nhà trường không trôi qua vô ích; các bạn biết cách tận dụng triệt để mọi yếu tố để chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai của mình.
Thậm chí, một số công ty còn mời sinh viên trải nghiệm nơi… ăn, ngủ của nhân viên. Các bạn được ăn trưa chung với nhân viên, được trò chuyện cùng các anh chị. Như vậy, các bạn gần như hiểu tường tận mọi mặt trong một công ty để có những chuẩn bị về hành trình tìm việc của mình sau này.
Nhà trường điều chỉnh chương trình bám sát thực tiễn nâng cao chất lượng đào tạo
Việc hợp tác với doanh mang lại lợi ích quan trọng đầu tiên là nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoạt động đào tạo và công tác sinh viên nhờ việc mở rộng mối quan hệ với các đối tác có uy tín. Sinh viên của nhà trường được cải tiến trải nghiệm học tập qua các đợt thực tập tại doanh nghiệp hay tham quan doanh nghiệp. Sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong công tác đào tạo còn giúp nhà trường xây dựng các học phần hợp lý hơn, xen kẽ chương trình lý thuyết tại trường và chương trình thực hành tại các doanh nghiệp. Nhờ vậy, sinh viên sẽ nắm vững kiến thức ngày trong quá trình học, nâng cao năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, kỹ năng tự học, tư duy độc lập và giá trị bản thân…
Các hoạt động liên kết Nhà trường và doanh nghiệp như tổ chức cho sinh viên tham quan doanh nghiệp, sinh viên được lựa chọn môi trường thực tập nghề nghiệp uy tín của chương trình thực tập sinh cung cấp nhiều giá trị cho các sinh viên và chất lượng chuyên môn và thực tế của sinh viên cũng được nâng cao hơn.
Doanh nghiệp rút ngắn khoảng cách tuyển dụng nhân sự
Hàng năm các doanh nghiệp phải tuyển thêm hàng ngàn vị trí khác nhau vì vậy thông qua những chuyến gặp gỡ với sinh viên là cơ hội để doanh nghiệp đặt hàng từ trước với các bạn, Những bạn trẻ nếu yêu thích môi trường làm việc ở một công ty thì có thể biết sẽ cần chuẩn bị gì từ sớm để trở thành một nhân viên chính thức. Từ đó doanh nghiệp sẽ có sẵn nguồn nhân lực chất lượng, được đào tạo để đáp ứng được yêu cầu của công việc.
Trong năm vừa qua Trường Cao đẳng Bách Khoa luôn chú trọng các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, đưa sinh viên tham quan, thực tập tác các công ty, nhà máy sản xuất. Với phương châm “Đào tạo những gì người học cần, doanh nghiệp mong muốn, xã hội có nhu cầu”, từ đó nhà trường cập nhật nhu cầu thực tế ngành nghề của doanh nghiệp, biết nên đào tạo gì, thị trường lao động đang cần gì.
Không chỉ đem lại kinh nghiệm và những trải nghiệm bổ ích được đúc kết qua môi trường làm việc thực tế mà còn có thể có thêm thu nhập, vừa học vừa làm tại các doanh nghiệp. Đó chính là những giá trị bền vững sinh viên trường Cao đẳng Bách Khoa nhận được sau chuyến đi thực tập tại doanh nghiệp