Học sửa chữa ô tô ở cấp độ nào? Học đại học, cao đẳng thì thời gian lâu, lại nhiều lý thuyết nên khó có khả năng thực tiễn, còn học trung cấp thì không biết có đủ kiến thức để làm việc hay không. Đó là nỗi băn khoăn chung của rất nhiều bạn trẻ
Học nghề sửa chữa ô tô đang trở thành một trong những lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. Các ngành nghề liên quan đến ô tô hiện được giảng dạy ở cả ba cấp độ là đại học, cao đẳng và trung cấp với rất nhiều các trường khác nhau.
Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ tỏ ra băn khoăn không biết nên lựa chọn học nghề sửa chữa ô tô ở cấp độ nào. Học đại học, cao đẳng thì thời gian lâu, lại nhiều lý thuyết nên khó có khả năng thực tiễn, còn học trung cấp thì không biết có đủ kiến thức để làm việc hay không.
Bài viết dưới đây của Cao Đẳng Bách Khoa sẽ giúp các bạn có thêm thông tin để tham khảo và đưa ra lựa chọn phù hợp với mình.
1. Mục tiêu của học ngành ô tô của bạn để làm gì
Trước khi quyết định làm gì thì các bạn phải căn cứ vào mục tiêu mà các bạn muốn đạt được.
Bạn lựa chọn học sửa chữa ô tô là mong muốn mình sẽ trở thành một người thợ có tay nghề, có thể bắt bệnh xe và giúp chúng trở nên hoàn thiện hay mục tiêu của bạn là trở thành một chuyên gia về ô tô, chuyên thiết kế hệ thống máy móc cho ô tô.
Bạn học nghề này vì chót đam mê những chiếc xe, đam mê động cơ hay chỉ đơn giản là mong muốn chọn một nghề nghiệp có khả năng trong tương lai.
2. Học cấp độ nào thì phù hợp với mục tiêu của bạn
Đầu tiên nghề sửa chữa xe ô tô không có ở cấp độ đại học. Bậc đại học đào tạo các kỹ sư về công nghệ ô tô với mục tiêu là tìm hiểu về hệ thống máy móc, cấu tạo, đưa ra những thiết kế mới về công nghệ. Chính vì vậy nếu bạn học bậc đại học thì lý thuyết sẽ nhiều hơn thực hành. Và cho dù có thực hành thì cũng chủ yếu là tìm hiểu các vấn đề của xe và đưa ra phương án cải tiến, thay thế chứ không phải là tập trung vào việc sửa chữa chúng.
Đại học và cao đẳng chính quy đều chung một mục tiêu học tập, vì vậy đòi hỏi người học phải mất nhiều thời gian, công sức cùng khả năng tìm tòi và nghiên cứu chuyên sâu. Thời gian học của bậc học này mất từ 4 – 5 năm.
Bậc trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề là những cơ sở đào tạo nghề sửa chữa ô tô. Mục tiêu của bậc đào tạo này là những người thợ có khả năng nắm bắt các bệnh của xe, đưa ra các xử lý kịp thời.
Từ mục tiêu trên nên trong quá trình đào tạo, thời gian thực hành chiếm 70% trong khi lý thuyết chỉ 30%. Thời gian học ngắn và tùy từng cấp độ mà kéo dài từ 1 năm cho đến 3 năm.
Vậy nếu mục tiêu của bạn là trở thành một thợ máy lành nghề hay chỉ đơn giản là tìm một công việc phù hợp thì các bạn nên lựa chọn học trung cấp online hoặc cao đẳng nghề. Còn nếu bạn là người yêu khoa học, muốn sáng tạo những cái mới thì bậc đại học sẽ phù hợp với bạn hơn.
>> Xem thêm: Trường Cao đẳng Bách Khoa xét học bạ ngành Công nghệ Ô tô năm 2024. Đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay tại đây.
3. Định hướng học nghề ô tô mà bạn nên biết
Thực tế, công nghiệp ô tô tại Việt Nam hiện vẫn chưa phát triển. Các sản phẩm ô tô của Việt Nam vẫn chủ yếu là lắp ráp và nhập nguyên chiếc. Đó là nguyên nhân làm cho “đất diễn” của các kỹ sư ô tô của chúng ta rất ít. Để minh chứng cho điều này các bạn hãy thử liệt kê tất cả các hãng xe có mặt tại Việt Nam từ xe con cho đến xe tải và cho biết liệu có bao nhiêu doanh nghiệp ô tô có nhà máy tại Việt Nam. Câu trả lời là rất ít gồm Toyota, Huyndai, Ford, Honda… còn lại chủ yếu là nhập khẩu và các công ty lắp ráp.
Trong khi đó lượng xe ô tô tại Việt Nam lại tăng lên rất nhiều trong những năm qua và chắc chắn còn tăng trưởng nhiều hơn nữa sau khi Việt Nam áp mức thuế bằng không vào năm 2019.
Lượng xe tăng cao đồng nghĩa các dịch vụ đi kèm cũng tăng theo như bảo dưỡng, sửa chữa, tân trang. Đồng thời những công việc này đòi hỏi người thợ ở khả năng thực tế chứ không phải ở bằng cấp đạt được.
Từ thực tiễn trên, lời khuyên dành cho những bạn yêu thích công nghệ ô tô và muốn trở thành một người thợ sửa chữa xe thì hãy chọn học bậc cao đẳng hoặc trung cấp nghề trước. Sau đó nếu có nhu cầu muốn nâng cao trình độ thì bạn vẫn có thể học liên thông đại học bất kỳ lúc nào.